Ai cũng biết bài “Em đi chùa Hương”, nhưng không phải ai cũng biết chuyện tình ngang trái của thi sĩ trong bài hát này

Chùa Hương hay còn được gọi là chùa Trong nằm trong động Hương Tích ở xã Hương Sơn-Mỹ Đức – Hà Nội, ven bờ phải của con sông Đáy. Nơi đây là một quần thể văn hóa Phật Giáo gồm rất nhiều ngôi chùa, đền thờ, đình. Được ra đời

Nơi đây tuy là chốn tôn nghiêm nhưng lại có phong cảnh làm lay động lòng người. Cảnh vật hùng vĩ, núi non trùng điệp, sông nước hữu tình là nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ, nhạc sĩ khi trót đặt chân đến địa danh này. Hơn 80 năm hình thành và phát triển của nền tân nhạc Việt Nam cũng chính chừng ấy thời gian mà Hương Sơn đã đi vào lịch sử thi ca.

Một tác phẩm rất nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ biết đến chính là ca khúc “Em đi chùa Hương” của nhạc sĩ Trung Đức được phổ từ bài thơ cùng tên của cố thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp.

Cố thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp 1914 – 1938, con trai của nhà báo, dịch giả, học giả Nguyễn Văn Vĩnh và người tình Phan Thị Lựu. Năm ông lên 2 tuổi mẹ ông tìm đến cái chết do phát hiện cha ông có người phụ nữ khác, nên mẹ cả đã đưa ông về nuôi. Tên Nhược Pháp được cha ông đặt do năm 1914 thực dân Pháp bị quân Đức đánh cho thê thảm nên cha ông theo đó mà đặt tên cho ông. Cũng chính cái tên ấy như vận vào người ông, ông chỉ cao 1m52 vẻ bề ngoài nhìn thư sinh yếu đuối. Tuy nhiên ông lại rất thông minh, đẹp trai, học giỏi có đầu óc tổ chức, nhiều sáng kiến, làm đầu tàu cho các em trong các hoạt động, sinh hoạt thể thao, vui chơi rất văn hóa.

Năm 14 tuổi thi đỗ lớp 6 Trường trung học Albert Sarraut, năm 20 tuổi đỗ tú tài phần nhất, 1935 đỗ tú tài phần hai, vào Đại học luật. Từ năm 1930 trở đi, kinh tế gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Nguyễn Nhược Pháp vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, viết thơ… để có tiền nhuận bút, giảm bớt chi tiêu của gia đình cho mình.

Nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Em đi chùa Hương”, giữa thập kỉ 30 của thế kỉ trước, người Hà Nội xưa không ai là không biết “tứ mỹ Hà Thành” : cô Síu Cột Cờ, cô Phượng Hàng Ngang, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. Trong 4 người con gái ấy, Nguyễn Nhược Pháp đã thầm thương trộm nhớ cô Bính Hàng Đẫy. Cô Lê Thị Bính sinh năm 1915, trong gia đình nề nếp, gia giáo tại Hà Nội. Bản chất thông minh, trí tuệ, thanh lịch nhưng được giáo dục trong môi trường phong kiến xưa nên mỹ nhân xứ Hà Thành hội tụ đầy đủ tố chất công dung ngôn hạnh của người phụ nữ xứ Bắc Kỳ.

Cô sống khép kín trong ngôi biệt thự 3 tầng được xây theo kiến trúc Pháp, được vây quanh bởi hàng rào tầm xuân. Được cha mẹ hết mực chiều chuộng dành hẳn cho 1 tầng nhà làm phòng học và đọc sách, còn thuê riêng thầy giáo về nhà dạy học.

Khi ấy, Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo L’ Annam nouveau ngày nào ông cũng kiếm cớ đi ngang qua khu nhà cô ở chỉ để được ngắm nhìn giai nhân cho thỏa lòng mong nhớ. Qua ánh mắt ấy cô Bính cũng cảm nhận được tình cảm mà Nguyễn Nhược Pháp dành cho mình. Đôi lần cả hai đã trò chuyện với nhau qua hàng rào cây tầm xuân thơ mộng để rồi gây nhớ thương trong lòng cô gái ấy.

Trước vẻ đẹp thanh thoát, trong sáng của giai nhân ấy chàng thi sĩ nhỏ nhắn đã gởi gắm tất cả những yêu thương vào vần thơ của mình thể hiện qua 12 thi phẩm của “Ngày Xưa”. Trong đó có bài thơ “Em đi chùa Hương” thể hiện sự tinh nghịch, trẻ trung của cô gái 15 xuân thì, ngây thơ trong sáng và rất hồn nhiên. Sắc đẹp của nàng đã làm ngẩn ngơ bao chàng thi sĩ trong đó có Nguyễn Nhược Pháp.

Trích 1 đoạn trong bài thơ “Em đi chùa Hương : 

Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?”

– Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm,
(Ý đợi người tài trai)…

Nhưng cuộc tình này đẹp này lại đầy ngang trái. Việc ông qua lại với cô Bính hai gia đình cũng đã biết chuyện. Sau ngày gia đình ông lâm vào cảnh tán gia bại sản, ông trở thành kẻ trắng tay. Vốn lòng tự trọng rất cao nên ông đã chấp nhận rút lui khỏi cuộc tình này. Vì lý do môn đăng hộ đối, ông nào dám mơ ước với tới tiểu thư cao sang quyền quý. Từ sau khi chị gái là Nguyễn Thị Nội đang đi học Luật năm thứ ba mắc bệnh mất (1933), rồi cha mất (1936), chị Vân mất (1938), và tin anh trai Nguyễn Hải mất trong Nam… Nguyễn Nhược Pháp đau buồn rồi mắc bệnh lao hạch và mất năm 1938 khi mới 24 tuổi.

Sau khi đọc bài thơ “Em đi chùa Hương” nhạc sĩ Trung Đức cảm thấy thật sự rất yêu thích bài thơ này nên ông      đã phổ thành nhạc. Thời kì ấy Trung Đức đang hoạt động văn nghệ tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, với hy vọng sẽ đưa được bài hát này vào hoạt động nghệ thuật thường xuyên nên ông đã trình ca khúc lên nhà hát để duyệt. Nhưng vì ông chỉ là ca sĩ hát chứ không phải nhạc sĩ nên bài hát đã không được hội đồng nhà hát để ý đến.

Đánh liều ông gởi thêm lần nữa, nhưng lần này ông kí giả danh Trần Văn Khê lên tờ nhạc ( một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian nổi tiếng, là giáo sư, Việt kiều đang cư trú ở nước ngoài). Nghĩ rằng bên trời Tây xa xôi Trần Văn Khê sẽ không biết đến việc này. Quả nhiên nghe danh Trần Văn Khê nhà hát đồng ý ngay, và ông xin được hát bài “Em đi chùa Hương” trên sân khấu.

Nhạc sĩ Trung Đức

Sau khi bài hát trở nên nổi tiếng ông cũng đính chính lại tác giả chính là ông, và cũng đã xin Trần Văn Khê thông cảm vì không muốn bỏ phí một bài nhạc ấy. Với giai điệu vui nhộn nhạc sĩ Trung Đức đã thể hiện được sự hồn nhiên, nhí nhảnh mà Nguyễn Nhược Pháp đã hướng tới.

Phù Sa

04/12/2020   

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *