“…Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”
Vào năm 1930 ở Bắc Kỳ có tổ chức cuộc thi hoa hậu ở Hà Nội, điểm đặc biệt của cuộc thi này là dành cho mọi đối tượng không kể nghề nghiệp, tuổi tác miễn là phải mặc áo lụa Hà Đông đi thi. Trong cuộc thi này người đăng quang hoa hậu chính là người đẹp Lý Lệ Hằng quê ở Thái Bình, cô xuất thân trong gia đình bần nông, nhưng vì cuộc sống cô phải phiêu bạt lên Hà Nội kiếm sống, với nghề Cô đầu hát trong quán rượu.
Sau đăng quang cô trở nên nổi tiếng và là niềm mơ ước của biết bao công tử nhà giàu có. Nhưng không ngờ rằng cô gái “bần nông” lại được vua Bảo Đại để mắt đến, và sau này cô trở thành người tình của Quốc Vương.
Sắc đẹp của Lý Lệ Hằng đã làm mê mẩn biết bao trái tim các chàng trai, cho đến 20 năm sau nhà thơ Nguyên Sa vẫn tơ tưởng đến ánh mắt và nụ cười ấy nên đã viết bài thơ “Áo lụa Hà Đông” ca ngợi vẻ đẹp của cô.
Khi nghe câu chuyện về nàng hoa hậu trở thành người yêu của vị vua cuối cùng của Việt Nam, đồng thời cũng mê mẩn tác phẩm thơ của Nguyên Sa nên Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài thơ “Áo lụa Hà Đông” vào năm 1969, để bày tỏ sự ngưỡng một đóa sen trắng vươn lên trong bùn lầy.
Giai điệu nhẹ nhàng, mượt mà không kém phần trữ tình của ca khúc đã trở nên bất hủ sống mãi với thời gian. Bài hát cũng đóng góp làm nên tên tuổi của một làng lụa cùng tên nổi tiếng ở phía Bắc. Khi nhắc đến vùng đất Hà Đông điều đầu tiên người ta nghĩ ngay đến đó chính là sản phẩm lụa tơ tằm, được dệt thủ công rất tỉ mỉ và cẩn thận. Mỗi tấm lụa là một tác phẩm được tạo từ bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề.
Sự đồng cảm của hai con người làm nghệ thuật đã hòa trộn vào làm một, tạo nên tác phẩm nổi tiếng được phổ biến rộng rãi hàng chục năm nay. Ngô Thụy Miên đã nhìn thấy được ý tưởng chung trong thơ của Nguyên Sa. Khi sáng tác ca khúc “Áo lụa Hà Đông” Ngô Thụy Miên mới 21 tuổi còn Nguyên Sa đã 37 tuổi, đó cũng chính là cái duyên của hai kẻ làm nghệ thuật, không phân biệt chênh lệch tuổi tác, quan trọng là tìm kiếm được ở nhau sự đồng cảm.
Phù Sa
03/11/2020