Tính đến nay cũng đã 24 năm trôi qua kể từ ngày nhạc sĩ Trúc Phương qua đời, trong 62 năm nợ kiếp trần ông đã để lại cho đời gần 100 tác phẩm có giá trị lớn. Những ca khúc ấy luôn chiếm vị trí trong lòng công chúng yêu nhạc, tất cả đều sâu lắng, dễ nghe và cũng dễ thuộc lời. Chắc bởi vậy nên chúng có sức lan tỏa đến cộng đồng người yêu nhạc đến vậy.
Các ca khúc: Nửa đêm ngoài phố, Thói đời, Buồn trong kỷ niệm, Ai cho tôi tình yêu, Tàu đêm năm cũ, Đôi mắt người xưa, Người xóm cũ, Sau những lần gối mỏi, Mưa nửa đêm… đã góp phần không nhỏ tạo nên tên tuổi của các ca sĩ gạo cội : Thanh Thúy, Duy Khánh, Giao Linh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Chế Linh, Nhật Trường, Tuấn Vũ, Đan Nguyên, Y Phụng…Cho đến thời điểm hiện tại đâu đó trong các quán cà phê, phòng trà hay thậm chí những con hẻm nhỏ xíu trong Sài Gòn vẫn vang lên những giai điệu mang đầy tâm sự của chính tác giả.
Trong những ngày đầu khăn gói lên Sài Gòn mưu sinh, nhạc sĩ Trúc Phương được một gia đình giàu có thuê về dạy nhạc cho cô con gái họ. Thương cho hoàn cảnh ghèo khó, không người thân nơi xứ người mà gia đình họ đã cho ông ở trọ tại nhà. Vì ngưỡng mộ tài năng mà cô gái đã phải lòng chàng nhạc sĩ nghèo ấy, hai trái tim trẻ rung động đã bước vào tình yêu kể từ ngày ấy. Nhưng đệnh mệnh trớ trêu, mối tình chớm nở đã phải lụi tàn, cha mẹ cô ấy đã kịch liệt phản đối khi phát hiện ra chuyện của hai người. Và ông bị xua đuổi ra khỏi nhà họ.
Cũng từ ấy mà những tác phẩm chia ly, đau buồn, mang đầy nước mắt lần lượt ra đời. Và đã chiếm được sự thương cảm của hàng triệu người hâm mộ Miền Nam lúc bấy giờ.
Bước chân lang thang vô định trên khắp các ngả đường Sài Gòn, ngậm ngùi, bẽ bàng cho thân hận nổi trôi mà người nhạc sĩ đã trút hết bầu tâm sự vào ca khúc “Nửa Đêm Ngoài Phố”. Với điệu Rhumba quen thuộc đã thể hiện được tâm trạng đau buồn khi người yêu không đến.
Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời.
Để rồi làm sao quên ?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư những đêm ngủ không yên.
Nửa đêm lạnh qua tim giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm một người không hẹn đến mà tiếng bước buồn thêm
Tiếc thay hoài công thôi phố đã vắng thưa rồi
Biết rằng chẳng duyên thừa để người không gặp nữa về nối giấc mơ xưa.
Ngày buồn dài lê thê
Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về
Làm rét mướt qua song len vào hồn
Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi.
Đời còn nhiều bâng khuâng
Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này
Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười
Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi.
Nhắc đến Thanh Thúy ai cũng nhớ đến “Nửa đêm ngoài phố”, ca khúc đã tạo nên tên tuổi của Thanh Thúy với chất giọng liêu trai. Trên một diễn đàn ca sĩ Thanh Thúy đã thổ lộ tâm sự “Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi Anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy. Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điễm Anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự Anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với Anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…” (Trích trong “Thế Giới Nghệ Sĩ”, phát hành vào tháng 2-1996, số đặc biệt tưởng niệm Nhạc sĩ Trúc Phương).
Một thời ngự trị trên đỉnh cao của danh vọng nhưng về cuối đời nhạc sĩ Trúc Phương lại lâm vào cảnh túng thiếu, gia đình tan nát, thân tàn lang thang rày đây mai đó khắp Sài Gòn. Bản thân không có lấy một mảnh giấy tờ tùy thân nên bạn bè không ai dám chứa chấp, sợ chính quyền hỏi tới lại liên lụy. Ngày lang thang khắp phố phường, đêm về lại bắt xe ra Xa Cảng thuê chiếu ngủ qua đêm.
Sau những ngày tháng chật vật nơi thành phố không công ăn việc làm, không nhà không cửa, sức chịu đựng đã cạn ông lại về quê ở với mẹ già. Mẹ ông già yếu cũng chẳng khá hơn là bao, buôn bán nhỏ trong khu chợ quê kiếm sống qua ngày.
Đời bạc là thế nhưng ông không cảm thấy buồn. Lời ca tiếng nhạc chính là niềm vui, niềm an ủi, động lực để ông có thể tiếp tục cuộc sống bần hàn. Ông ngao du khắp các vùng quê những nơi mà người dân chân lấm tay bùn mê mẩn các ca khúc của mình.
Phù Sa
09/12/2020