Thôi rồi ta đã xa nhau kể từ đêm pháo đỏ rượu hồng
Anh đường anh em đường em yêu thương xưa chỉ còn âm thừa
Em đành quên cả sao em ? kỷ niệm xưa sánh như biển lớn
Ân tình cao tựa bằng non chỉ đổi bằng gấm lụa sao người ?
Anh về gom lại thư em cả nghìn trang giấy mỏng xanh màu
Gom cả áo lạnh ngày xưa anh đem ra đốt thành tro tàn
Cho người xưa khỏi phân vân khi ngồi đan áo cho người mới
Khi mùa đông lạnh lùng sang, em khỏi nhớ chuyện ngày xưa.
Em ơi hết rồi hết rồi, chẳng còn chi nữa đâu Em
Yêu thương như nước trôi qua cầu
Như đàn trổi cung sầu
Còn gì nữa đâu !?
Tôi thề tôi chẳng yêu ai vì người ta cứ phụ tôi hoài
Bây giờ tôi chẳng còn tin trong nhân gian có kẻ chung tình
Tôi giận tôi đã ngây thơ đem tình yêu hiến dâng cho người hết
Nên giờ tôi chẳng còn chi khi người ngoảnh mặt mà đi.
Nhạc phẩm “Cho vừa lòng em” là một sáng tác của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân sáng tác vào khoảng thập niên 1970.
Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, ông sinh năm 1939 trong một gia đình trung lưu ở Gò Vấp – Gia Định. Bút danh Mặc Thế Nhân có nghĩa là “góp giọt mực cho đời”, ngoài ra ông còn bút danh khác là Nhã Uyên.
Ông tham gia văn nghệ từ năm 13 tuổi, và được học nhạc với các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân, Nguyễn Cầu, Nguyễn Quý Lãm, Xuân Bình ở Trường ca vũ nhạc phổ thông Sài Gòn. Sau này ra trường ông gia nhập ban nhạc Hoa Niên. Bên cạnh đó ông còn hợp tác với ban nhạc Xuân Bình trình diễn trên sóng truyền thanh.
Ngoài việc sáng tác nhạc ông còn là một kí giả tân nhạc kịch cộng tác với báo Lẽ Sống, Bình Dân với bút danh Mộng Thu, Giáng Ái Sĩ. Đồng thời cũng là một kịch sĩ trong ban kịch Hải quân VNCH.
Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản Trăng quê hương được xuất bản vào năm 1958 và tiếp sau đó là bản Vui tàn ánh lửa năm 1959. Và sau này là những ca khúc được yêu thích đến tận ngày nay như : Cho vừa lòng em, Mùa xuân cưới em, Em về với người…
Nói về ca khúc “Cho vừa lòng em” được ông kể lại như sau :
Ngày đó, trong lần đi công tác tại Nha Trang ông có quen cô gái người Huế xinh đẹp, thùy mị. Hai người đã phải lòng nhau mặc dù khi ấy ông đã có gia đình. Sau này ông về lại Sài Gòn nhưng vẫn thư từ qua lại với cô ấy. Một thời gian sau đó những bức thư ông đều đặn gởi lại không nhận được hồi âm. Bỗng nhiên một hôm nhận được thư của cô, trong lòng ông vô cùng vui mừng và hạnh phúc. Nhưng niềm hạnh phúc đó chẳng được bao lâu sau khi mở bức thư ấy.
Hiện hữu trong phong bì là tấm thiệp hồng có tên cô và một sĩ quan quân đội ngoài Huế. Tâm trạng buồn rầu, hụt hẫng là cảm xúc để ông viết nên ca khúc “Cho vừa lòng em”.
Ngày ấy ông có chơi rất thân với nhóm Trịnh Lâm Ngân, sau khi sáng tác xong ông có gởi bản phác thảo cho nhạc sĩ Nhật Ngân xem và nhờ chỉnh sửa giúp. Cả 2 cùng thống nhất lấy họ của 2 người đề tên tác giả trong bản nhạc này là Phan Trần.
Trong tất cả các nghệ sĩ thể hiện ca khúc “Cho vừa lòng em” ông bày tỏ rất thích ca sĩ Hương Lan hát. Với chất giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào, không bi lụy, than oán diễn tả đúng với tâm trạng mà ông gởi gắm vào bài hát.
Ông từng thú nhận dù đã có gia đình nhưng cũng có những lúc ông vẫn bị xao động bởi những bóng hồng khác. Vốn dĩ người nghệ sĩ mang tính đa tình, nhưng đó là điều kiện cần để sáng tác nhạc tình ca. Ông đã từng nghĩ nếu cô ấy không đi lấy chồng thì không biết cuộc tình này sẽ còn dây dưa tới lúc nào. Sẽ làm cho cô, ông và cả vợ ông đều đau khổ. “Cho vừa lòng em” như một lời thầm cảm ơn người con gái ấy.
Vợ ông người cũng có thể nói là thanh mai trúc mã, theo ông từ thuở đôi mươi cho đến tận sau này. Bà là người phụ nữ vị tha và biết cảm thông. Vì thế ông luôn biết dừng lại đúng lúc trong những lần sa ngã để không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Phù Sa
10/11/2020